Ngày 22 tháng 04 năm 2021
Tết thiếu nhi Nhật Bản 5/5 (Kodomo no hi)
Nếu ở Việt Nam ngày 1/6 là Quốc tế thiếu nhi thì ở Nhật Bản Ngày tết thiếu nhi (Kodomo no hi) rơi vào ngày 5/5. Ngày cầu chúc hạnh phúc cho tất cả trẻ em và thể hiện lòng biết ơn đến những người mẹ của mình.
Nguồn gốc, xuất xứ
Trước đây, ngày này được gọi là Tango no Sekku (端午の節句: ĐOAN NGỌ), được xem là Ngày của các bé trai, trong khi Ngày của các bé gái (Hinamatsuri) được tổ chức vào ngày 3 tháng 3. Tuy nhiên, vào năm 1948 chính phủ Nhật Bản đã công nhận ngày này là Quốc lễ và chính thức trở thành lễ hội dành cho tất cả trẻ em trên toàn nước Nhật, và được đổi tên thành ngày Tết thiếu nhi (Kodomo no hi).
Sau khi Nhật Bản chuyển sang sử dụng Dương lịch, ngày này cũng được đổi thành ngày 5/5 Dương lịch. Tuy nhiên Tết Đoan Ngọ – 5/5 Âm lịch, hiện nay vẫn là ngày lễ truyền thống ở các quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Macau, Hàn Quốc và Việt Nam (nước ta còn gọi là Tết giết sâu bọ).
Biểu tượng
Ngày Tết thiếu nhi 5/5 gắn liền với hình ảnh cờ cá chép Koinobori đầy màu sắc bằng vải (trong tiếng Nhật, Koi có nghĩa là cá chép, Nobori nghĩa là lá cờ, biểu ngữ) dài hơn 3m được treo trên các cột cao trước ban công hoặc ngoài sân nhà.
Nguồn gốc của những lá cờ cá chép này xuất phát từ một truyền thuyết cổ xưa của Trung Quốc khi loài cá chép đã bơi vượt qua dòng sông Hoàng Hà hung dữ để hóa rồng. Vì thế, hình ảnh cá chép vượt vũ môn hóa rồng đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm vượt thác dữ, khó khăn để đạt được những thành công trong cuộc sống. Tục lệ treo cờ cá chép trong ngày Tết thiếu nhi của mỗi gia đình Nhật Bản, cũng nhằm cầu mong cho các bé khỏe mạnh, thành công như cá chép vậy.
Trong một số ngôi nhà, cá chép được treo tượng trưng cho mỗi thành viên trong gia đình, thông thường họ sẽ treo cá chép màu đen ở trên cùng tượng trưng cho người cha, tiếp đến là cá chép màu đỏ tượng trưng cho người mẹ, và cá chép màu xanh dương tượng trưng cho bé trai. Một số gia đình treo số lượng cá chép đủ theo số lượng thành viên trong gia đình mình, mỗi người một màu khác nhau nên rất rực rỡ và đầy màu sắc.
Ngoài cờ cá chép, họ còn trưng bày búp bê Kintarou (金太郎: Kim Thái Lang) là một vị anh hùng thiếu nhi trong thời kỳ Heian (平安), nổi tiếng với sức mạnh phi thường khi còn nhỏ, như Thánh Gióng của Việt Nam) cưỡi một con cá chép lớn, trên đầu đội mũ sắt của võ sĩ (gọi là Kabuto). Mũ sắt (Kabuto) và võ sĩ Kintarou là biểu tượng cho một bé trai khỏe mạnh và phi thường.
Món ăn đặc trưng
Bánh gạo nếp Kashiwamochi là bánh nhân ngọt đậu đỏ bọc trong lá sồi (kashiwa)
Bánh Chimaki được làm từ gạo nếp bọc lá tre, được gói thành hình tam giác cân với ý nghĩa chúng sẽ ngăn chặn và xua tan ám khí của ma quỷ. Nhân của những chiếc bánh Chimaki này là kiểu nhân mặn, bao gồm lạp xưởng, nấm đông cô, lạc, thịt mỡ,… .
Hình ảnh cây sồi và cây tre cũng tượng trưng cho sức mạnh vươn lên và một cuộc sống thành công.
Tài liệu liên quan